Lịch sử phát triển và trưởng thành của ngành Thanh tra Việt Nam. Trong 65 năm qua luôn luôn gắn liền và từng bước phát triển cùng với nhiệm vụ quản lý của bộ máy nhà nước. Quá trình xây dựng, phát triển và trưởng thành, đã chứng tỏ thanh tra, kiểm tra là một khâu tất yếu khách quan của quá trình quản lý nhà nước, không thể tách khỏi hoạt động quản lý nhà nước.
Quá trình xây dựng và phát triển của ngành Thanh tra thành phố Hải Phòng gắn liền với nhiệm vụ lãnh đạo và yêu cầu quản lý của chính quyền thành phố qua các thời kỳ.
- Trước năm 1963, thành phố Hải Phòng và tỉnh Kiến An là hai đơn vị hành chính độc lập với hai tổ chức thanh tra độc lập, mỗi tổ chức thanh tra do các đồng chí thường vụ tỉnh uỷ phụ trách và một số cán bộ làm công tác thanh tra. Trong thời kỳ này, hoạt động của tổ chức thanh tra chủ yếu tiến hành kiểm tra: tình hình chấp hành các sắc lệnh về tổng động viên; chính sách về ruộng đất, thuế nông nghiệp; tình hình thực hiện các chiến dịch chuẩn bị cho kháng chiến...Qua đó, đã góp phần đập tan nhiều âm mưu phá hoại của kẻ thù, ngăn ngừa và uốn nắn các lệch lạc trong việc thực hiện đường lối, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước.
- Năm 1963, Hải Phòng và Kiến An được hợp nhất thành một đơn vị hành chính; đồng thời hợp nhất tổ chức thanh tra, kiểm tra, thực hiện chức năng kiểm tra, giám sát theo quy định. Năm 1970, Uỷ ban nhân dân thành phố Hải Phòng có Quyết định số 02/QĐ-UB thành lập Ban thanh tra thuộc Văn phòng UBND thành phố, bộ máy chỉ có 10 cán bộ chủ yếu làm nhiệm vụ xét khiếu tố. Năm 1971, biên chế trong ngành thanh tra Hải Phòng được tăng thêm, gồm 38 cán bộ, hình thành 5 tổ chức thanh tra, không chỉ giải quyết khiếu nại, tố cáo mà còn bổ sung thêm một số nhiệm vụ thanh tra kinh tế - xã hội theo yêu cầu mới của công tác quản lý nhà nước. Sau năm 1975, bộ máy làm công tác thanh tra được tăng cường, các tổ chức thanh tra được thành lập đến cấp huyện; cơ quan Thanh tra thành phố được tách ra độc lập.
Hoạt động của các tổ chức Thanh tra thành phố thời kỳ này tập trung thanh tra việc chấp hành các Chỉ thị, Nghị quyết quan trọng của Đảng và Nhà nước về chống tham ô, móc ngoặc (Nghị quyết 228 của Bộ chính trị), chống quan liêu, cửa quyền, gây phiền hà cho dân (Chỉ thị 159/TTg), về tăng cường và cải tiến quản lý (Nghị định 19/CP), về mở rộng quy mô và đưa hợp tác xã nông nghiệp lên sản xuất lớn XHCN (Nghị quyết 61/CP). Mỗi năm, các tổ chức thanh tra đã tiến hành hàng chục cuộc thanh tra, giải quyết được hàng trăm vụ việc khiếu nại, tố cáo của công dân, qua đó đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật của cán bộ công nhân viên; thúc đẩy cải tiến công tác quản lý. Ngày 15/02/1984, Hội đồng Bộ trưởng đã ra Nghị quyết số 26/HĐBT về việc tăng cường tổ chức thanh tra và nâng cao hiệu lực thanh tra; trong đó xác định: Hệ thống thanh tra các cấp gồm: Ủy ban thanh tra nhà nước Trung ương; Uỷ ban thanh tra nhà nước cấp tỉnh, thành phố, huyện, quận, sở ngành và Ban thanh tra nhân dân cấp cơ sở. Đó là một hệ thống tổ chức thanh tra được quản lý và chỉ đạo tập trung thống nhất từ Trung ương đến cơ sở. Ngành Thanh tra thành phố Hải Phòng đã phát triển thành 30 tổ chức Thanh tra, bao gồm: Thanh tra thành phố; 9 tổ chức thanh tra quận, huyện và 20 tổ chức thanh tra sở, ngành. Hàng năm đã thực hiện hàng chục cuộc thanh tra chuyên đề diện rộng, trên các lĩnh vực của đời sống xã hội như: về quản lý đất đai, quản lý tài chính, kinh tế, y tế, giáo dục, thực hiện chính sách người có công...; giải quyết hàng trăm vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, nhất là những vụ việc khiếu nại về tài sản trong quá trình thực hiện các chính sách về cải tạo trước đây. Qua công tác thanh tra, các tổ chức Thanh tra thành phố đã kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung của cơ chế quản lý, chủ trương chính sách cho phù hợp với thực tiễn; nhất là giai đoạn chuyển đổi từ quản lý nền kinh tế tập trung, quan liêu, bao cấp sang quản lý nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN có sự quản lý của nhà nước.
- Năm 1990, pháp lệnh thanh tra được ban hành, hoạt động của các tổ chức thanh tra được xác định là một chức năng thiết yếu của cơ quan quản lý nhà nước. Pháp lệnh cũng quy định hệ thống tổ chức Thanh tra nhà nước được tổ chức theo nguyên tắc song trùng trực thuộc: các tổ chức Thanh tra Nhà nước chịu sự chỉ đạo trực tiếp của thủ trưởng cơ quan cùng cấp và sự chỉ đạo của cơ quan Thanh tra nhà nước cấp trên về công tác, tổ chức, nghiệp vụ thanh tra.
Từ khi pháp lệnh thanh tra được ban hành, ngành Thanh tra thành phố đã có những bước trưởng thành vượt bậc cả về tổ chức và hoạt động; tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ thanh tra đã liên tục được kiện toàn, củng cố và bổ sung lực lượng. Cùng với sự gia tăng về số lượng, đội ngũ cán bộ, thanh tra viên cũng không ngừng được nâng cao về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và phẩm chất đạo đức, đáp ứng nhu cầu ngày càng tốt hơn nhiệm vụ công tác thanh tra mà Thành phố giao cho.
Năm 2004 Luật thanh tra ra đời đã qui định rất cụ thể về tổ chức, hoạt động thanh tra. Cơ quan Thanh tra nhà nước tiến hành thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp; Tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo cho thủ trưởng cùng cấp; Thực hiện phòng ngừa, chống tham nhũng; giúp thủ trưởng cùng cấp quản lý nhà nước về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng.
Hiện nay ngành thanh tra thành phố Hải Phòng có 36 đơn vị, với tổng số cán bộ, công chức 426 người (trong đó thanh tra trực thuộc sở là 92 người ): Trong đó:
+ Thanh tra viên chính: 58
+ Thanh tra viên: 159
+ Cán bộ thanh tra: 209
Được sự quan tâm lãnh đạo chặt chẽ của các cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp, các sở ngành; sự chỉ đạo thường xuyên của Thanh tra Chính phủ; sự phối hợp, giúp đỡ tận tình trách nhiệm của các cơ quan, các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể và sự nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi của toàn thể cán bộ, thanh tra viên trong ngành, nên Thanh tra Hải Phòng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao cho.
Tuỳ theo quy mô và biên chế tổ chức, tuỳ theo tình hình nhiệm vụ, các hoạt động thanh tra của thành phố Hải Phòng luôn bám sát nhiệm vụ quản lý của các cấp, ngành; bám sát sự chỉ đạo của Thanh tra Chính phủ để triển khai các chuyên đề thanh tra kinh tế - xã hội, xem xét kết luận, tham mưu giúp các cấp thẩm quyền giải quyết khiếu nại - tố cáo của công dân. Tích cực góp phần vào thành tích giữ gìn an ninh chính trị, trật tự xã hội trên địa bàn thành phố.
Trong lĩnh vực thanh tra kinh tế - xã hội, đã triển khai trên hầu hết các lĩnh vực kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng. Ngoài những chuyên đề thanh tra hẹp theo yêu cầu quản lý của địa phương, sở ngành, Thanh tra Hải Phòng còn tiến hành hàng chục chuyên đề thanh tra trên diện rộng theo yêu cầu của Chính phủ và sự chỉ đạo của Thanh tra Chính phủ được triển khai trên phạm vi toàn quốc. Trong đó có những chuyên đề thanh tra lớn như: hoạt động tín dụng ngân hàng; chính sách chi trả chế độ người về hưu mất sức; quản lý tài chính ngành bảo hiểm, y tế; tình hình sản xuất kinh doanh ngành điện lực; hiệu quả các chương trình mục tiêu đầu tư phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn; quản lý đất đai; quản lý tài chính ngân sách; quản lý xây dựng cơ bản; thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng, quản lý của ngành thuế, cổ phần hoá doanh nghiệp và nhiều chuyên đề kinh tế - xã hội quan trọng khác.
Qua thanh tra đã kiến nghị xử lý về kinh tế hàng trăm tỷ đồng, hàng trăm ha đất đai; đã kiến nghị xử lý hàng trăm đối tượng có khuyết điểm sai phạm trong quản lý...nhưng quan trọng hơn cả, đã có hàng trăm kiến nghị đối với Chính phủ, các bộ ngành và các cấp chính quyền của thành phố về việc sửa đổi những cơ chế quản lý yếu kém, lạc hậu; kiến nghị chấn chỉnh những thiếu sót khuyết điểm do tập thể, cá nhân đã gây ra những hậu quả làm hạn chế kết quả thực hiện các chủ trương chính sách pháp luật của nhà nước.
Trong lĩnh vực xem xét, kết luận giúp chính quyền các cấp giải quyết khiếu nại - tố cáo, cũng đã có hàng trăm kiến nghị khách quan khắc phục những oan, sai, chấn chỉnh những sai phạm khuyết điểm trong bộ máy hành chính của các cấp, sở ngành, từng bước nâng cao trách nhiệm thực hiện pháp luật về khiếu nại - tố cáo của công dân và cán bộ, công chức trong bộ máy nhà nước.
Trải qua 65 năm xây dựng và trưởng thành, Thanh tra Hải Phòng từ khi được thành lập đến nay luôn luôn gắn với lịch sử xây dựng và phát triển của thành phố. Trải qua các thời kỳ kháng chiến chống xâm lược, thời kỳ hoà bình xây dựng đất nước và thực hiện công cuộc đổi mới ngày nay, Thanh tra Hải Phòng đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế - xã hội thành phố và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội, tạo điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh quá trình CNH-HĐH đất nước. Các thế hệ cán bộ, Thanh tra viên Thanh tra Hải Phòng đã đóng góp nhiều thành tích trong các giai đoạn xây dựng và phát triển của thành phố, góp phần quan trọng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta, luôn xứng đáng với lời dạy của Bác Hồ “Thanh tra là tai mắt của trên, là bạn của dưới”. Với những thành tích đã đạt được, ngành Thanh tra thành phố Hải Phòng được Đảng và nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý.
Ghi nhận thành tích đã đạt được của ngành Thanh tra Thành phố trong thời gian qua, ngành thanh tra thành phố đã 4 lần vinh dự được Nhà nước tặng huân chương lao động các loại; được Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, Uỷ ban nhân dân thành phố tặng nhiều bằng khen, cờ thi đua xuất sắc và huy chương vì sự nghiệp thanh tra cho hàng trăm lượt tập thể và cá nhân có nhiều đóng góp cho ngành Thanh tra thành phố. Đặc biệt năm 2005 Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng Thanh tra thành phố Hải Phòng huân chương độc lập hạng III.
Bên cạnh những thành tích, những mặt được đã nêu trên cũng còn không ít tồn tại, hạn chế trong các hoạt động thanh tra, xây dựng lực lượng; trong công tác tuyên truyển phổ biến pháp luật... Trong những năm tới đòi hỏi ngành Thanh tra Hải Phòng phải khắc phục.
Bước sang giai đoạn mới, thời kỳ CNH-HĐH đất nước, mở cửa và hội nhập, nhiệm vụ của ngành Thanh tra ngày càng nặng nề hơn, tập trung làm tốt hơn nữa chức năng tham mưu, kiểm tra xác minh các vụ việc...trên cơ sở dựa vào dân, phát huy dân chủ ở cơ sở; đề xuất giúp thủ trưởng cơ quan quản lý hành chính nhà nước, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước, góp phần ổn định chính trị, xã hội.
Kế hoạch thanh tra năm 2010 phải giành một quĩ thời gian nhiều hơn bình thường để kịp thời xác minh, kết luận các vụ việc, tăng cường công tác thanh tra trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo ở các cấp cơ sở để phục vụ cho Đại hội Đảng các cấp.
Về lĩnh vực thanh tra kinh tế - xã hội: Thanh tra thành phố tập trung thanh tra việc quản lý, sử dụng đất và thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất tại các dự án sử dụng đất có dấu hiệu vi phạm để hoang hoá, lãng phí nguồn tài nguyên đất. Thanh tra việc chấp hành chính sách pháp luật về bảo hiểm xã hội; về quản lý thuế, phí, lệ phí; Về thu - chi ngân sách và về đầu tư xây dựng cơ bản, thực hiện chủ đề năm Tăng cường bảo vệ môi trường và đảm bảo an sinh xã hội.
Để làm tốt nhiệm vụ đó, Thanh tra Hải Phòng xác định phải làm tốt công tác xây dựng Đảng, không ngừng nâng cao trình độ mọi mặt của đội ngũ cán bộ; cải tiến lề lối làm việc, xây dựng tổ chức Thanh tra Hải Phòng trong sạch vững mạnh toàn diện, để hoàn thành nhiệm vụ của Thanh tra Chính phủ, Thành uỷ, Hội đồng nhân dân, UBND thành phố giao, góp phần tích cực vào việc xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng nhanh và bền vững, hướng tới kỷ niệm 65 năm thành lập ngành Thanh tra Việt Nam, Đại hội thi đua yêu nước lần thứ III của ngành thanh tra./.