CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

THANH TRA THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

Thời gian: 24/12/2018 10:27

Chế độ bồi dưỡng cho cán bộ tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo như thế nào?

Câu hỏi:

Tôi được giao nhiệm vụ tiếp công dân kể từ ngày 02/1/2017. Tôi xin hỏi, theo quy định hiện hành tôi được hưởng chế độ bồi dưỡng cho cán bộ tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo như thế nào?    

V Khanh - vkhanhsnt***@gmail.com

 

Trả lời:

Theo quy định hiện hành, cán bộ làm công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo sẽ được hưởng chế độ bồi dưỡng theo quy định tại Thông tư số 320/2016/TT-BTC ngày 14/12/2016 của Bộ Tài chính quy định chế độ bồi dưỡng đối với người làm nhiệm vụ tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh (Thông tư 320/2016/NĐ-CP). Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/02/2017 và áp dụng cho năm ngân sách 2017.

Vấn đề bạn hỏi liên quan đến thời gian, đối tượng và mức hưởng chế độ bồi dưỡng cho cán bộ tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.

Thứ nhất, về thời gian, bạn được giao nhiệm vụ tiếp công dân kể từ ngày 02/01/2017, như vậy, bạn nhận nhiệm vụ tiếp công dân trước khi Thông tư 320/2016/TT-BTC có hiệu lực (ngày 01/2/2017). Do đó, thời gian từ khi bạn nhận nhiệm vụ đến ngày 01/02/2017, bạn vẫn hưởng chế độ bồi dưỡng đối với cán bộ tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo quy định cũ (Thông tư liên tịch số 46/2012/TTLT-BTC-TTCP ngày 16/3/2012 của Bộ Tài chính và Thanh tra Chính phủ quy định chế độ bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Tuy nhiên, Thông tư này hết hiệu lực kể từ ngày 01/02/2017). Kể từ ngày 01/02/2017, theo năm ngân sách 2017, bạn sẽ bắt đầu được hưởng chế độ bồi dưỡng theo quy định tại Thông tư 320/2016/TT-BTC.

Thứ hai, về đối tượng và mức hưởng chế độ bồi dưỡng, do bạn không nói rõ bạn thuộc đối tượng nào nên chúng tôi sẽ trả lời bạn quy định đối tượng và mức hưởng theo quy định chung của Thông tư 320/2016/TT-BTC, từ đó, bạn dẫn chiếu xem bạn thuộc đối tượng nào thì mức hưởng chế độ bồi dưỡng tương đương như vậy.

Thứ ba, về mức hưởng chế độ bồi dưỡng: Điều 3 Thông tư 320/2016/TT-BTC thì chế độ bồi dưỡng được tính theo ngày làm việc theo quy định đối với cán bộ, công chức làm nhiệm vụ tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo tại Trụ sở tiếp công dân hoặc địa điểm tiếp công dân quy định tại khoản 1 Điều 21 Nghị định số 64/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiếp công dân (Nghị định 64/2014/NĐ-CP).

Chế độ bồi dưỡng được tính theo ngày làm việc thực tế đối với các đối tượng khác quy định tại khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều 21 Nghị định số 64/2014/NĐ-CP 

Trường hợp các đối tượng này khi tham gia tiếp công dân xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại tại trụ sở tiếp công dân hoặc địa điểm tiếp công dân từ 50% thời gian tiêu chuẩn của ngày làm việc trở lên thì được hưởng toàn bộ (100%) mức chi bồi dưỡng, nếu dưới 50% thời gian tiêu chuẩn của ngày làm việc thì được hưởng 50% mức chi bồi dưỡng.

Về mức chi, Điều 4 Thông tư 320/2016/TT-BTC quy định, các đối tượng được quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 21 Nghị định số 64/2014/NĐ-CP mà chưa được hưởng chế độ phụ cấp trách nhiệm theo nghề, khi làm nhiệm vụ tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại trụ sở tiếp công dân hoặc địa điểm tiếp công dân được bồi dưỡng 100.000 đồng/1 ngày/1 người; trường hợp đang được hưởng chế độ phụ cấp trách nhiệm theo nghề thì được bồi dưỡng 80.000 đồng/1 ngày/1 người.

Đối với cán bộ, công chức được cấp có thẩm quyền giao hoặc phân công làm nhiệm vụ tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại Trụ sở tiếp công dân Trung ương được bồi dưỡng 150.000 đồng/1 ngày/1 người; trường hợp đang hưởng chế độ phụ cấp theo nghề được bồi dưỡng 120.000 đồng/1 ngày/1 người.

Các đối tượng quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 21 Nghị định số 64/2014/NĐ-CP được bồi dưỡng 50.000 đồng/1 ngày/1 người./.

(Để biết thêm thông tin chi tiết về đối tượng hưởng chế độ bồi dưỡng, bạn có thể tham khảo thêm Điều 21, Nghị định số 64/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiếp công dân, cụ thể như sau:

Điều 21. Đối tượng được hưởng chế độ bồi dưỡng khi tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh

1. Cán bộ, công chức thuộc các cơ quan, tổ chức, đơn vị quy định tại Điều 20 Nghị định này được cấp có thẩm quyền giao nhiệm vụ hoặc phân công làm nhiệm vụ tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại Trụ sở tiếp công dân hoặc địa điểm tiếp công dân.

2. Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm tiếp công dân định kỳ hoặc đột xuất; cán bộ, công chức được cấp có thẩm quyền triệu tập làm nhiệm vụ tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại Trụ sở tiếp công dân hoặc địa điểm tiếp công dân.

3. Cán bộ, công chức; sỹ quan, hạ sỹ quan, chiến sỹ, quân nhân chuyên nghiệp và nhân viên quốc phòng trong lực lượng vũ trang; cán bộ dân phòng, y tế, giao thông khi được cấp có thẩm quyền giao nhiệm vụ hoặc phân công phối hợp tiếp công dân, giữ gìn an ninh, trật tự, bảo đảm y tế tại Trụ sở tiếp công dân hoặc địa điểm tiếp công dân.

4. Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, cán bộ, công chức được cấp có thẩm quyền giao nhiệm vụ chuyên trách xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh).

Thanh tra thành phố Hải Phòng

Địa chỉ: Số 51 Lương Khánh Thiện, quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng

Trưởng ban biên tập: Bùi Thị Hồng Vân - Chánh Thanh tra

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Liên hệ

 Địa chỉ: Số 51 Lương Khánh Thiện, quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3921910

 Fax: 0225.3921319

 Email: thanhtrathanhpho@haiphong.gov.vn

EMC Đã kết nối EMC