Chiều 24/2, Chi hội Luật gia Thanh tra thành phố Hải Phòng tổ chức lấy ý kiến tham gia đóng góp của cán bộ, công chức Thanh tra thành phố đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Đồng chí Phạm Thị Nguyệt Ánh, Phó Chánh Thanh tra thành phố phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc.
Đồng chí Đoàn Ngọc Thưởng, Chi hội Luật gia Thanh tra thành phố phát biểu tại buổi làm việc.
Các thành viên Chi hội Luật gia Thanh tra thành phố tham gia ý kiến tại hội nghị
Tại hội nghị, các cán bộ, công chức Thanh tra thành phố đã đóng góp 12 ý kiến vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Điều 3 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần bổ sung giải thích cụm từ “đất công ích” là gì vì đất công ích là đất nông nghiệp (5% của tổng diện tích đất nông nghiệp ở mỗi địa phương được quy định tại Nghị định 64-CP ngày 27/9/1993 của Chính phủ) để người dân hiểu và nắm rõ; bổ sung thêm định nghĩa “đất bằng chưa sử dụng” có quy định tại Khoản 3, Điều 11 của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Đề nghị bổ sung định nghĩa “quyền sử dụng đất”, “mục đích sử dụng đất” vì những khái niệm này rất quan trọng đối với công tác quản lý và sử dụng của người dân, tổ chức.
Tại khoản 4, Điều 3 có cụm từ “lợi ích vật chất” đề nghị Quốc hội sửa đổi, định nghĩa cụ thể ý nghĩa của cụm từ này vì sẽ gây khó khăn trong việc các cơ quan thu hồi đất triển khai bồi thường cho người dân.
Tại khoản 2, Điều 4 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định: “Trường hợp luật khác ban hành sau ngày Luật Đất đai có hiệu lực thi hành cần quy định đặc thù về quản lý, sử dụng đất khác với quy định tại Luật Đất đai thì phải xác định cụ thể nội dung thực hiện hoặc không thực hiện theo quy định của Luật Đất đai, nội dung thực hiện theo quy định của luật khác đó; trường hợp luật khác không xác định cụ thể thì áp dụng quy định của Luật Đất đai”.
Tuy nhiên, tại khoản 3, Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định “trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau”.
Như vậy, quy định tại Điều 4 Dự thảo Luật Đất đai chưa phù hợp với nguyên tắc áp dụng pháp luật khi có quy định khác nhau về cùng một vấn đề quy định tại khoản 3 Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015. Do đó, quy định của dự thảo cần được điều chỉnh lại để phù hợp và đảm bảo về nguyên tắc áp dụng.
Trong Chương III. Quyền và Nghĩa vụ của người sử dụng đất: Tại khoản 4, Điều 49 của Dự thảo Luật Đất đai quy định “tổ chức kinh tế được nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp phải có phương án sử dụng đất nông nghiệp được UBND cấp tỉnh chấp thuận…”. Tuy nhiên, dự thảo không quy định rõ về trình tự, thủ tục để tổ chức có thể có được sự chấp thuận của UBND cấp tỉnh gây khó khăn trong việc thực hiện.
Chương VI. Thu hồi, trưng dụng đất: Tại điểm a, khoản 4, Điều 85 quy định “UBND cấp có thẩm quyền quy định tại Điều 82 của Luật này quyết định thu hồi đất sau khi có quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư” cần quy định cụ thể thời gian thực hiện việc ban hành quyết định thu hồi đất sau khi có quyết định phê duyệt phương án để công dân có thể nắm được rõ quy trình, thời gian thực hiện thu hồi đất của cơ quan Nhà nước.
Khoản 6, Điều 85 quy định “việc thu hồi đất chỉ được thực hiện sau khi hoàn thành bố trí tái định cư...” quy định này chưa cụ thể việc thu hồi đất chỉ được thực hiện khi có quyết định giao đất tái định cư cho công dân hay khi có phương án bố trí tái định cư được công khai. Đối với nội dung này cần phải có quy định cụ thể hơn để tránh khiếu kiện.
Chương VII. Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất: Tại khoản 2, Điều 109 quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức nhà nước nếu quá 30 ngày chậm chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ người có đất thu hồi chưa quy định cụ thể thời gian chậm trả tối đa là bao nhiêu ngày, trường hợp chậm trả quá 1 năm ngoài việc tính lãi có phải làm lại giá đất đền bù không (với lỗi thuộc về cơ quan Nhà nước), đề nghị Chính phủ làm rõ hơn vì trên thực tế đã xảy ra khiếu kiện nhiều đối với nội dung này.
Chương X. Đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất: Tại Điều 135 quy định giấy tờ căn cứ công nhận quyền sử dụng đất ở cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư sử dụng đất tuy nhiên không có từ đất ở; vì vậy, cần bổ sung từ ở vào nội dung “Công nhận quyền sử dụng đất ở cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư đang sử dụng đất có giấy tờ về quyền sử dụng đất”; bổ sung quy định việc công nhận quyền sử dụng đất cho các trường hợp giao đất không đúng thẩm quyền trước ngày 01/7/2014 và đất do hợp tác xã nông nghiệp, hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp bán nhà, giao đất ở cho hội viên giai đoạn trước ngày 01/7/2014 vì đây là thực tế vẫn đang tồn tại trong công tác quản lý, sử dụng đất của nước ta.
Tại Điều 137 đề nghị bổ sung cụm từ “đất nông nghiệp và đất phi nông nghiệp không phải đất ở” vào nội dung “công nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất mà không có giấy tờ về quyền sử dụng đất nông nghiệp và đất phi nông nghiệp, không phải đất ở” vì nội dung của Điều 137 quy định việc công nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp và đất phi nông nghiệp, gây khó khăn trong việc tra cứu luật...
Đồng chí Phạm Thị Nguyệt Ánh, Phó Chánh Thanh tra thành phố phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu kết thúc hội nghị, Phó Chánh Thanh tra Phạm Thị Nguyệt Ánh cho biết, thực hiện Kế hoạch số 14/KH-UBND ngày 13/01/2023 của UBND thành phố về việc tổ chức lấy ý kiến tham gia đóng góp của cán bộ, công chức Thanh tra thành phố đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Thanh tra thành phố đã tham gia 12 ý kiến đều sát với thực tế, các nội dung sửa đổi chủ yếu xuất phát từ vướng mắc trong khi thực hiện giải quyết các vụ việc tại cơ sở.
Đây sẽ là cơ sở để cho các cơ quan quản lý Nhà nước xem xét bổ sung vào Luật Đất đai năm 2023.
Theo Kim Thành - Báo Thanh tra